Tin tức

Trang chủ » » Xuất khẩu Việt Nam 2017: "Nóng" nông nghiệp!

Xuất khẩu Việt Nam 2017: "Nóng" nông nghiệp!

26/04/2017

Chuyên mục: Tin tức In trang

Dù cả nước có đến 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu "chạm mốc" trên 1 tỷ USD vào năm 2016, song nông nghiệp vẫn là vấn đề "nóng" và được phân tích khá kỹ ở diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức tuần qua tại Hà Nội.

Đại diện cho hơn 16 triệu hộ nông dân Việt Nam, ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhìn nhận thực trạng của ngành nông nghiệp nước nhà: Tính đến thời điểm này, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ tính riêng năm 2016, xuất khẩu rau - củ - quả đã đạt 2,4 tỷ USD, vượt giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gạo (2,2 tỷ USD).

Chưa kể các mặt hàng được cho là có sản lượng xuất khẩu thuộc hàng nhất, nhì thế giới như hồ tiêu, hạt điều, cà phê..., thế nhưng xét về mặt giá trị xuất khẩu thì giá trị các mặt hàng này đang ở mức khá thấp. Đây là vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Theo đại diện Hội Nông dân Việt Nam, muốn cải thiện vấn đề thì phải tìm ra đúng nguyên nhân.

Nông nghiệp là ngành xuất khẩu "nóng" của Việt Nam trong năm 2017.

Nông nghiệp là ngành xuất khẩu "nóng" của Việt Nam trong năm 2017. Nguồn: Internet

Ở góc độ Hội Nông dân, ông Môn nêu lên những nguyên nhân cần được làm rõ liên quan đến các vấn đề về chính sách, quy hoạch sản xuất, khoa học kỹ thuật - công nghệ, hạ tầng, vốn, quy hoạch trong liên kết vùng - địa phương - các bộ - ngành - Trung ương, đầu ra, đầu vào, đàm phán trong tiếp thị...

Trong đó, ông Môn nhấn mạnh hiện nay chính sách Nhà nước dành cho nông nghiệp vẫn đang rất thiếu đồng bộ, hạ tầng di chuyển khá khó khăn, Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp rất ít và việc triển khai đàm phán trong khâu tiếp thị còn quá yếu... Đây là những vấn đề đang góp phần làm trì trệ sự phát triển của nông nghiệp.

"Về cơ bản, đích ngắm của nông nghiệp là phải cải thiện được đời sống của nông dân, những chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất. Có như vậy mới tạo được động lực cho họ cũng như sự đồng bộ trong việc gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, sự cân bằng giữa số lượng xuất khẩu và đời sống nông dân", ông Môn phân tích.

Nhiều đại diện còn dẫn chứng, quy hoạch vùng lúa tại Hàn Quốc chỉ có khoảng 900.000 ha, tuy nhiên, sau khi đảm bảo an ninh lương thực cho 52 triệu dân, họ vẫn có thể xuất khẩu gạo với giá cao. Tại Nhật Bản, quy hoạch vùng lúa chỉ có 1.500 ha, song họ vẫn đảm bảo được lương thực cho 127 triệu dân và một phần xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, sở dĩ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hay Thái Lan làm được như vậy là do chính phủ của những nước đó đầu tư lớn cho nông nghiệp. Đơn cử như tại Hàn Quốc, tuy nông nghiệp chỉ đóng góp 2% vào GDP nhưng nhà nước đã đầu tư hơn 6% GDP vào khoa học công nghệ, vốn, kho bảo quản, cơ sở đầu mối để đấu giá.

Tại Úc, việc quy hoạch giống, vùng sản xuất, hạ tầng, điện, nước... đều được cung ứng đến tận ruộng, trang trại một cách bài bản, gắn liền với các kho bảo quản, định hướng xuất khẩu ra các thị trường tiềm năng trên thế giới. Điều này đang được cho là trái ngược với Việt Nam, vì hiện nay nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 18% vào GDP, nhưng đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp chỉ mới ở mức khoảng 5% GDP.

Với tham luận nâng cao giá trị gia tăng cho xuất khẩu Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cũng chia sẻ, hiện nay, cơ cấu mặt hàng đã thay đổi, trong đó, sản phẩm công nghiệp vươn lên chiếm 80% giá trị xuất khẩu.

Thế nhưng, cả nông nghiệp lẫn công nghiệp đều gặp khó khăn là hàm lượng chế biến không được sâu, đây là nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam chưa nâng cao được giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Đó là chưa kể một số mặt hàng còn gặp vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, yếu tố then chốt quyết định việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng cho biết, muốn nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam thì cần cải cách hệ thống thương mại. Cụ thể, Nhà nước nên định hướng, rà soát lại xem từng ngành, từng doanh nghiệp có thể làm gì, có thể cải tiến, áp dụng khoa học công nghệ ở khâu nào.

Phải như vậy mới có được sự đồng bộ trong việc cải tiến. Theo ông Nam, muốn phát triển chuỗi giá trị của hàng nông sản thì cần phải bắt đầu từ khâu nghiên cứu, thiết kế giống, kỹ thuật, công nghệ chăm sóc, trồng trọt đến bảo quản, chế biến, sau cùng mới đến khâu thương mại và người tiêu dùng. Nghĩa là phải trải qua rất nhiều khâu, trong đó, phát triển giống đang được xem là khâu đem lại giá trị gia tăng cao nhất, thế nhưng điều đáng buồn là Việt Nam lại chưa phát triển được giống tốt.

Thông qua những hạn chế của nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản xuất khẩu, ngoài làm tốt những vấn đề vừa nêu, Nhà nước cần hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhà sản xuất cải cách hệ thống thương mại, tạo điều kiện để những tập đoàn thương mại có cơ hội phát triển lớn mạnh.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết đơn vị đang phối hợp với các bộ, ngành để tìm ra cách làm thiết thực, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo Kiến Quốc

Doanh nhân Sài Gòn

  




Văn bản gốc