Xuất khẩu gạo: Vẫn còn gặp khó khăn
XK gạo dù được nhận định sẽ khả quan hơn trong những tháng tới, nhưng Bộ Công Thương vẫn tỏ ra lo lắng với mặt hàng này khi đưa ra hàng loạt giải pháp để đẩy mạnh XK. Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra chưa cụ thể cho thấy, XK gạo vẫn sẽ phải "dò dẫm" tìm đường đi.
Thuận lợi có
Những tháng đầu năm 2016, nhờ các hợp đồng gối đầu đã ký với Philippines, Indonesia, đặc biệt là Trung Quốc từ cuối năm 2015, XK gạo của Việt Nam có phần khởi sắc. Giá gạo Việt Nam ở mức cao nhất so với các nước như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ… Tuy nhiên, sang tháng 5, giá gạo Việt Nam lại tụt xuống mức thấp nhất trong các nguồn cung (giá gạo trong nước giảm khoảng 250 đồng/kg, giá gạo XK trong tháng 3 đạt 375-380 USD/tấn nhưng đến nay chỉ còn khoảng 350-355 USD/tấn). Theo đó, XK gạo tháng 5 tiếp tục sụt giảm so với tháng trước đó và chỉ đạt khoảng 400.000 tấn, giảm trên 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức XK thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hợp đồng đăng ký XK gạo trong 2 tháng 4 và 5 đều sụt giảm so với mức trung bình do không có hợp đồng tập trung và XK sang Trung Quốc giảm. Với diễn biến như vậy, VFA lại một lần nữa điều chỉnh mục tiêu XK gạo quý II-2016 từ 1,6 triệu tấn xuống còn 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên, VFA dự báo những tháng tới XK gạo Việt Nam sẽ khả quan hơn bởi Việt Nam dự kiến sẽ ký các hợp đồng tập trung với những nước như Philippines, Indonesia, Malaysia. Song đơn vị này không cho biết lượng gạo XK cả năm nay dự kiến là bao nhiêu tấn.
Ngoài những hợp đồng tập trung, việc ký Nghị định thư (Nghị định sửa đổi một số điều Nghị định thư này đã được ký vào ngày 7-10-2004, trong đó, có một điều khoản yêu cầu khi gạo XK sang Trung Quốc ngoài vấn đề kiểm dịch thực vật, phải được xử lý bằng phương pháp xông hơi tiệt trùng và do một đơn vị thuộc Nhà nước thực hiện - PV) về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc XK gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tạo hành lang pháp lý cho gạo và cám gạo của Việt Nam xuất sang thị trường này được thuận lợi hơn. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn là thị trường NK gạo lớn nhất của Việt Nam. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, XK gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 705,96 tấn, tương đương trị giá 325,32 triệu USD, tăng 10,31% về khối lượng và tăng 23,63% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 36,45% thị phần. Thống kê của VFA cho thấy, hiện có 131 DN có đủ điều kiện XK gạo sang Trung Quốc, song có khoảng 30-40 DN XK nhiều sang thị trường này. Vì thế, việc áp dụng Nghị định thư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy XK chính ngạch sang Trung Quốc được tốt hơn trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt và hạn chế NK qua đường tiểu ngạch.
Áp lực trước việc Thái Lan xả kho
Tình hình XK gạo dù được nhận định sẽ có khởi sắc trong những tháng tiếp theo song phía Bộ Công Thương vẫn tỏ ra “sốt ruột” với mặt hàng này. Trong Chỉ thị số 06/CT-BCT về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh XK trong năm 2016 do ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký, Bộ Công Thương đã nhiều lần nhắc tới mặt hàng gạo khi yêu cầu Cục XNK, các vụ cục khác cùng với thương vụ Việt Nam tại các quốc gia thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện các biên bản ghi nhớ về thương mại gạo; xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại gạo…
Không chỉ vậy, việc Thái Lan xả kho gạo cũng là tác động không nhỏ đến việc XK gạo của Việt Nam. Trước thông tin Chính phủ Thái Lan có thông báo sẽ bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ với mục tiêu thu về hơn 2,8 tỷ USD, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đang đẩy mạnh các giải pháp để thúc đẩy XK gạo bằng cách “hợp lực” với các đơn vị khác. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường vận động, tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy phát triển thị trường XK gạo; phối hợp với VFA và các thương nhân XK, DN đầu mối tại các thị trường tập trung tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.
Bộ Công Thương kiến nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, VFA rà soát và đánh giá tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa gạo trong năm 2016, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó có kế hoạch phù hợp cho mùa vụ, đảm bảo nguồn cung trong nước và phục vụ XK. Bộ NN&PTNT rà soát lại các biện pháp của các nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam về kiểm dịch thực vật; có biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với gạo NK của các nước để tạo thuận lợi cho việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác thông tin thị trường, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường hiệu quả, thiết thực cho các địa phương và doanh nghiệp XK. Mặt khác, “chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng gạo; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiểm dịch; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, tạo thuận lợi cho XK gạo của Việt Nam”, ông Hải khẳng định.
Theo Báo Mới