Xuất khẩu tôm vào Mỹ tăng mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau mức giảm 38,3% trong năm 2015, những tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ tăng trưởng khá tốt.
Theo phân tích của VASEP, XK tôm sang thị trường này tăng trong những tháng đầu năm là do DN XK sang thị trường này vẫn được hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá của POR9. Mức thuế trung bình 0,91% trong POR9 đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3-2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tính đến 15/4 đạt 176,8 triệu USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, trên thị trường Mỹ, tôm sú vỏ đông lạnh của Việt Nam ngày càng có ưu thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Tính tới ngày 22-4-2016, giá tôm sú vỏ đông lạnh cỡ 21-25 của Việt Nam đạt 4,85 USD/pao (1pao ~ 453g) trong khi giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Malaysia đều đạt 5,10 USD/pao; giá của Indonesia và Thái Lan đều đạt 4,95 USD/pao. Giá tôm cỡ U-15 của Việt Nam đạt 8,30 USD/pao trong khi giá tôm Ấn Độ và Malaysia đều đạt 8,50 USD/pao.
Tuy nhiên, nhìn chung giá thành sản xuất tôm cao đang là nguyên nhân chính dẫn tới giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung trên thị trường Mỹ. Tôm thịt đông lạnh loại khác (mã HS 0306170040) là sản phẩm chính nhập khẩu vào Mỹ, chiếm 42% tổng giá trị NK tôm vào Mỹ. Trong quý I-2016, Mỹ tăng cả khối lượng và giá trị NK mặt hàng này lần lượt là 19% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng này cho Mỹ trong khi Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp sản phẩm này cho Mỹ.
Tính tới tháng 3-2016, trên thị trường Mỹ, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Đáng chú ý, Ấn Độ tăng cả khối lượng và giá trị XK tôm sang Mỹ lần lượt là 13% và 1%. NK tôm từ Thái Lan tăng 5% về khối lượng nhưng giảm 16% về giá trị. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 (sau Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan) trong top 10 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ với khối lượng XK tôm sang Mỹ tăng 10%.
Xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trong những tháng đầu năm là do doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này vẫn được hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá của POR9, mức thuế trung bình 0,91% (giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của POR8). Bên cạnh đó, nhu cầu tôm từ thị trường Mỹ năm 2016 nhích lên do giá nhập khẩu trung bình giảm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trong quý 2/2016 bởi đồng USD đang có xu hướng giảm giá, giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trên thị trường Mỹ. Cùng với đó là tín hiệu tích cực từ Hiệp định TPP đã được ký kết. Sau khi tăng mạnh trong năm 2015, USD đang có xu hướng giảm giá, điều này giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh mà các DN XK Việt Nam đang phải đối mặt trên thị trường Mỹ. Cùng với tín hiệu tích cực từ Hiệp định TPP đã được ký kết từ tháng 2-2016, XK tôm Việt Nam sang Mỹ dự báo tăng trong quý II-2016.
Nguyễn Linh
Tổng hợp