Tin tức

Trang chủ » » Xuất xứ hàng hoá - chìa khoá mở cửa thị trường CPTPP

Xuất xứ hàng hoá - chìa khoá mở cửa thị trường CPTPP

28/05/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Là hiệp định thế hệ mới có tác động mạnh mẽ đến thương mại hàng hoá, nhiều ngành hàng và DN sẽ được hưởng lợi từ CPTPP nếu đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hoá của hiệp định này cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng của mỗi thị trường.

Nhiều ngành hàng hưởng lợi

Theo nhận định của các chuyên gia, CPTPP đưa ra những quy định về hầu hết các lĩnh vực. Do đó, tác động của Hiệp định này mạnh mẽ và toàn diện hơn nhiều so với các FTA thế hệ cũ. Đặc biệt, trong số các lĩnh vực được điều chỉnh, lĩnh vực chịu ảnh hưởng đáng kể từ CPTPP chính là thương mại hàng hóa. Với những ưu đãi và cả những yêu cầu khắt khe, hoạt động XNK của DN hiện nay đang chịu nhiều sự chi phối bởi CPTPP.

Các số liệu thống kê vào năm 2018 cho thấy, trong 11 nước trong khối CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA song phương với 7 nước, trong đó có 4 nước có kim ngạch XNK song phương với Việt Nam tương đối cao, đạt gần 7 tỷ USD. Với các nước chưa ký kết FTA song phương như Canada hay Mexico, kim ngạch XK cũng tương đối khá lần lượt là 4,6 tỷ USD và 3,4 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, với các thị trường này, XK của Việt Nam chỉ chiếm từ 1% đến hơn 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trên toàn thế giới của mỗi nước. Dự đoán, với CPTPP, các nước sẽ tăng cường mở rộng hợp tác kinh doanh trên cơ sở tận dụng các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi lớn về thuế điều này sẽ đem lại lợi ích cho nhiều nhóm hàng XK của Việt Nam.

Điển hình như ngành da giày. Hiện nay tăng trưởng của ngành da giày vào một số nước TPP như Úc, Canada, Singapore cao. Trong khi đó tình hình bảo hộ của các nước còn khá cao, chênh lệch thuế ưu đãi thông thường (MFN) so với ưu đãi thuế trong CPTPP là khá lớn. Khi CPTPP có hiệu lực ngành da giày không chỉ được hưởng lợi từ việc giảm thuế mà còn được gỡ bỏ các rào cản bảo hộ của các nước. Ngay với Canada, một nước chưa từng có FTA song phương với Việt Nam, khi tham gia vào CPTPP, 78 dòng thuế của các sản phẩm giày dép XK của Việt Nam được giảm xuống 0% ngay khi Hiệp định này có hiệu lực.

Tương tự, ngành dệt may cũng có cơ hội lớn để tăng thêm thị phần tại các nước CPTPP từ mức tăng trưởng dự báo ở mức cao từ 8,3 đến 11%. Ngành chế biến thực phẩm, thuỷ sản với lợi thế về nguồn gốc xuất xứ cũng có nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường mới cũng như mở rộng thêm các thị trường XK truyền thống trong CPTPP khi các thị trường khó tính như thị trường Nhật Bản cũng đã có cam kết xoá bỏ nhiều dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Xuất xứ hàng hoá là yếu tố then chốt

Các chuyên gia khẳng định, CPTPP sẽ mở ra cơ hội phát triển thị trường cho hàng hoá XK của Việt Nam. Tuy nhiên, muốn có được ưu đãi đó thì sản xuất hàng hóa phải đáp ứng được các yêu cầu của CPTPP, quan trọng nhất là đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Trong đó, có xuất xứ thuần túy (sản xuất và nguyên liệu ở nước XK), xuất xứ nội khối, xuất xứ một phần. Theo cơ quan quản lý, ở các hiệp định cũ, 39% nguyên liệu không đúng xuất xứ cũng không được cộng gộp. Riêng CPTPP, nguyên liệu NK không đạt xuất xứ nhưng có giá trị gia tăng 1% vẫn được phép cộng gộp.

Liên quan đến việc đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hoá vào thị trường CPTPP, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương lưu ý các DN phải nắm rõ các điểm khác biệt trong các quy định về C/O ưu đãi của Hiệp định để thực hiện cho đúng. Điển hình như một điểm rất mới trong quy định về C/O của CPTPP so với các FTA khác là trong hồ sơ C/O các nhà NK phải ghi rõ email, điện thoại của nhà sản xuất và XK thay vì chỉ cần ghi tên và địa chỉ. Quy định này nhằm đảm bảo việc nếu có phát sinh các nghi vấn về xuất xứ, cơ quan Hải quan các nước sẽ liên hệ trực tiếp với DN thay vì chỉ liên hệ với Bộ Công Thương như trước đây. Do vậy, nếu không có thông tin liên lạc thì sẽ các DN sẽ bị nghi ngờ có gian lận về xuất xứ. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khuyến khích các DN nên sử dụng cấp C/O qua intenet để tiện cho việc chứng minh xuất xứ có thể phát sinh sau này, vì chứng từ đã được lưu sẵn trên hệ thống.

Đối với lộ trình giảm thuế, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị DN nên so sánh lộ trình giảm thuế của các FTA để tận dụng được ưu đãi tối đa từ các thị trường NK trong CPTPP vì đối với các nước như Nhật Bản đã có FTA với Việt Nam và đang được hưởng mức ưu đãi gần như tối đa, trong khi đó ưu đãi trong CPTPP còn cao. Do vậy, đối với một số mặt hàng dệt may, da giày được giảm thuế ngay thì DN nên sử dụng ngay C/O CPTPP còn các mặt hàng giảm thuế theo lộ trình các DN nên tận dụng các C/O ưu đãi của các FTA khác có mức giảm lớn hơn. Đặc biệt đối với một số mặt hàng có xuất xứ thuần tuý như tơ lụa thì không phải đáp ứng quy tắc 3 công đoạn của sản phẩm dệt may tại các thị trường CPTPP.

Cơ hội từ CPTPP là rất lớn, song theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa không phải là chuyện ngày một ngày hai tìm kiếm nguồn cung mà cần cả một chặng đường cụ thể. Cần phải có sự thay đổi trong tìm kiếm nguồn cung, quy trình sản xuất để đạt được các quy tắc xuất xứ. Cho nên nếu DN chưa quan tâm tìm hiểu, chưa có hành động cụ thể để thay đổi cách thức thì rất khó để tận dụng. Khắc phục nhược điểm này đòi hỏi phải phát triển tốt ngành công nghiệp phụ trợ. CPTPP cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy ngành phụ trợ Việt Nam phát triển nhanh hơn.

Phòng ngừa rủi ro phát sinh tranh chấp

Ngoài những thay đổi phù hợp đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, các DN còn phải đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hiện đại hơn để sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn các nước vì đối với DN xuất khẩu thuế quan chỉ là một phần câu chuyện. Rào cản tự vệ thương mại của các nước không kém phần quan trọng, có thể không vượt qua được, bởi vì, trong các quốc gia tham gia CPTPP, các biện pháp phòng vệ thương mại không hề mất đi. Tại đây vẫn áp dụng các biện pháp tự vệ toàn cầu để có thể loại trừ hàng xuất xứ CPTPP và tự vệ đặc biệt chỉ áp dụng với hàng hóa của một số nước. Các nước vẫn thực hiện hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, chống trợ cấp tương tự như trong WTO. Vẫn yêu cầu rõ về đóng gói, ghi nhãn sản phẩm, chất lượng, công năng sản phẩm,…

Theo Luật sư Trần Xuân Chi Anh, Đại diện Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT, từ trước đến nay, Việt Nam đã có mối giao thương thường xuyên với một số quốc gia như Singapore, Nhật Bản… Khi CPTPP có hiệu lực, mối quan hệ này lại càng chặt chẽ hơn, theo đó, tỷ lệ XNK hàng hóa cũng tăng dần. Việc XNK được đẩy mạnh cũng đồng nghĩa với việc các sai sót, mâu thuẫn xảy ra ngày càng nhiều. Trong số đó, ngành hàng được xác định thường phát sinh tranh chấp là các ngành chiếm tỷ trọng lớn như nông sản, gỗ, dệt may. Do vậy, để giao kết các hợp đồng kinh doanh quốc tế an toàn, DN cần hết sức chú trọng đến việc nhận diện và phân loại các rủi ro nhằm tránh gây tổn thất, thiệt hại cho DN

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho biết, trong 11 nước có CPTPP có 4 quốc gia có kim ngạch XNK lớn với Việt Nam là Úc, Nhật, Singapore, Malaysia. Theo số liệu thống kê của VIAC, Singapore dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp liên quan đến các hợp đồng mua bán ngoại thương với 91 vụ, tiếp đến là Nhật Bản với 22 vụ. Tuy chưa có số liệu thống kê về tranh chấp của các nước khác trong CPTPP nhưng việc phát sinh tranh chấp trong kinh doanh quốc tế là rất phổ biến. Theo thống kê của VIAC, thời gian qua đã có khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có phát sinh tranh chấp với Việt Nam liên quan đến các hợp đồng mua bán ngoại thương.

Nguyễn Huế

Theo Báo Hải quan

 

  




Văn bản gốc