Tin tức

Trang chủ » » “Brexit cứng”: Giá đắt của nước Anh

“Brexit cứng”: Giá đắt của nước Anh

05/10/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ước tính giới tài chính ngân hàng tại Anh có thể thiệt hại lên đến 51 tỷ USD nếu kịch bản "Brexit cứng" xảy ra.

Vương quốc Anh đang đối mặt nguy cơ ngày càng lớn phải chấp nhận một kịch bản “Brexit cứng”, ám chỉ việc hoàn toàn “dứt tình” với Liên minh châu Âu (EU). Điều này đang khiến các doanh nghiệp cũng như dư luận Anh lo lắng. 

Theo nhiều chuyên gia tài chính, đang có nhiều nguy cơ xảy ra một kịch bản "Brexit cứng"  – tức nước Anh sẽ không xây dựng một tư cách thành viên đặc biệt trong khối thị trường chung EU và không có các ưu đãi thương mại. Nếu điều này xảy ra, giới tài chính ngân hàng tại Anh có thể thiệt hại lên đến 51 tỷ USD. 

Thủ tướng Theresa May đã loại trừ khả năng ưu tiên bảo vệ các ngân hàng trong cuộc đàm phán Brexit (Ảnh: WPA Pool/Getty Images)

Theo Bloomberg dẫn nguồn tin từ các quan chức Chính phủ Anh, Thủ tướng Theresa May đã loại trừ khả năng ưu tiên bảo vệ các ngân hàng trong cuộc đàm phán Brexit, và cũng đã bác bỏ khả năng có một thoả thuận tạm thời cho các ngân hàng trong thời kì chuyển đổi ra khỏi EU.  

Không ít ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn đã tuyên bố, nhiều khả năng sẽ rời khỏi Anh nếu nước này không đạt được thoả thuận cho phép các ngân hàng tại London phục vụ khách hàng từ các nước khác trong EU.

Mặc dù London không đưa ra nhiều chi tiết về cách thức mà giới chức Anh lựa chọn để kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, song đối với những lãnh đạo doanh nghiệp đã làm việc với bà May thì các ý kiến nhằm ủng hộ nước Anh rời khỏi EU một cách dứt khoát và không vướng bận hiện đang chiếm ưu thế.

Daniel Hodson, Chủ tịch Diễn đàn thảo luận về các dịch vụ tài chính (FSNF), nhận định “các động lực chính trị rõ ràng đang hướng tới một kịch bản Brexit cứng” và kịch bản này sẽ gây ra thiệt hại đối với người dân Anh.

Trong trường hợp nước Anh quyết định rời khỏi liên minh hải quan EU, London sẽ phải đàm phán lại không chỉ hàng chục thỏa thuận trước đó mà còn phải tăng cường kiểm soát biên giới đối với dòng người và hàng hóa trên các tuyến hàng không, đường sắt quốc tế và các cảng biển.

Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng việc hoàn toàn “dứt tình” với EU sẽ buộc người dân Anh phải xin thị thực nếu muốn đi nghỉ tại các nước thành viên của khối. Còn đối với hàng triệu người dân Anh đang sống ở châu Âu, kịch bản “Brexit cứng” sẽ biến cơn ác mộng tồi tệ nhất về nạn quan liêu và tài chính trở thành hiện thực.

Trong đó có khả năng những đối tượng nghỉ hưu bị “gạt” ra khỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương và người lao động phải xin giấy phép cư trú và giấy phép làm việc tại châu Âu. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với những người dân EU đang sống và làm việc tại Anh.

John McFarlane, Chủ tịch ngân hàng Barclays và tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính TheCityUK nói trên tờ Financial Times rằng các cuộc đàm phán mang tính cứng rắn về Brexit sẽ làm gia tăng sự bất ổn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân đối với đất nước và có thể là động lực khiến các doanh nghiệp khởi động tiến trình rời khỏi Vương quốc Anh.

Trong một diễn biến có liên quan, những quan ngại kéo dài về tác động của Brexit đối với nền kinh tế Anh đã khiến đồng bảng Anh trong phiên 26/9 rơi xuống mức thấp nhất của 5 tuần là 1,2985 USD/bảng Anh, chỉ cao hơn 2 xu so với mức thấp nhất của ba thập kỷ dưới 1,28 USD/bảng Anh được ghi nhận ngay sau khi Vương quốc Anh đón nhận kết quả Brexit vào trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Sáu.

Phương Nga

Tổng hợp

  




Văn bản gốc