Tin tức

Trang chủ » » “Đại gia” vận tải biển sụp đổ, ngành hàng nào đang chịu tác động?

“Đại gia” vận tải biển sụp đổ, ngành hàng nào đang chịu tác động?

05/09/2016

Chuyên mục: Tin tức In trang

Sự sụp đổ của Hanjin Shipping, tập đoàn vận tải biển khổng lồ của Hàn Quốc, đã gây ra nhiều xáo trộn trong thương mại toàn cầu. Ngành logistics và xuất khẩu (trong đó tập trung vào các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản và đồ gỗ) sẽ là những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc hãng tàu Hanjin phá sản.

Thương mại toàn cầu xáo trộn 

Hãng tin Reuters cho biết, một phát ngôn viên của Hanjin sáng 5/9 cho biết hãng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ theo chương 15 của luật phá sản Mỹ. Mục đích của động thái này là nhằm bảo vệ các tàu chở hàng của Hanjin khỏi bị các chủ nợ bắt giữ.

Trước đó, Hanjin, hãng vận tải biển lớn thứ 7 thế giới, đã nộp đơn xin tòa án thụ lý tài sản (court receivership) lên tòa án ở Seoul, Hàn Quốc vào hôm thứ Tư tuần trước, sau khi bị các ngân hàng từ chối tiếp tục giúp đỡ. Tòa án đã quyết định bắt đầu một quá trình hồi phục cho Hanjin tại Hàn Quốc.

Cổ phiếu của Hanjin đã bị ngừng giao dịch tại thị trường chứng khoán Seoul vào hôm 30/8. Sáng 5/9, khi giao dịch trở lại, giá cổ phiếu này có lúc giảm kịch sàn biên độ 30%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2009.

Hanjin chỉ chiếm 2,9 % công suất vận tải container toàn cầu, nhưng sự sụp đổ của hãng này đã gây ra những xáo trộn lớn trong thương mại toàn cầu ngay giữa mùa sôi động của hoạt động vận tải nhằm chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Hãng điện tử LG, nhà sản xuất TV lớn thứ nhì thế giới, cho biết sẽ hủy đơn hàng với Hanjin và đang tìm kiếm một nhà vận tải khác để thay thế. Một quan chức thuộc Hiệp hội Vận tải Quốc tế Hàn Quốc nói nhận được vô số cuộc gọi từ các nhà gửi hàng hóa lo ngại về số phận những container hàng được thuê vận chuyển bằng đường biển tới Mỹ và châu Âu.



“Vụ việc này sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ ngành vận tải biển của Hàn Quốc”, vị quan chức nói. 

Một nhà quản lý của Hanjin tại cảng Busan của Hàn Quốc xác nhận rằng tàu của hãng bị cảng này từ chối cho vào. Lý do là các nhà cung cấp dịch vụ về container tại cảng từ chối phục vụ tàu của Hanjin vì lo ngại sẽ không được thanh toán tiền. Ngoài ra, Hanjin cũng đang lo ngại rằng tàu của hãng có thể bị các chủ nợ bắt để trừ nợ.

 Logistic và xuất khẩu của Việt Nam là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Hanjin là hãng tàu lớn nhất của Hàn Quốc, hiện ở thị trường Việt Nam hãng này chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa. Do đó, các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ hay hàng thủy sản đều bị ảnh hưởng.

Những ngành hàng, DN đến khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường mà Hanjin có tàu đi như Hoa Kỳ thì đều bị tác động. Theo Bộ Công Thương, Văn phòng đại diện của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã có thông báo về việc dừng nhận booking hàng hóa mới kể từ ngày 31/8/2016.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, việc đại gia vận tải lớn nhất Hàn Quốc tuyên bố phá sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao nhận hang hoá xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

Vì thế, cơ quan này khuyến cáo các doanh nghiệp, với những lô hàng nhập khẩu đã cập cảng, khẩn trương hoàn thành thủ tục nhận và thông quan, giải phóng hàng ra khỏi container của Hanjin. 

Đối với các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào container của Hanjin, doanh nghiệp cần nhanh chóng lấy hàng và liên hệ với đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch booking hàng hóa.

Đối với các lô hàng đang được chuyên chở trên tàu của Hanjin, chủ hàng sẽ tiếp tục làm việc với Văn phòng đại diện của Hanjin tại Việt Nam để theo dõi lịch trình và phối hợp với đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng. 

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Công Thương đã có phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Cảng biển và một số Hiệp hội ngành hàng liên quan để nắm thông tin ở các DN.

Bước đầu chúng tôi nhận được phản hồi từ các DN: hiện đã có một số đơn vị phản ánh là gặp khó khăn, đặc biệt là lô hàng đang ở trên tàu chưa cập cảng. Còn hàng xuất đi, các DN đưa vào container rồi thì có thể rút ra, đổi hãng tàu khác, đặt booking khác tuy có chậm và phát sinh thêm chi phí song DN xuất khẩu vẫn xử lý được.

Vụ việc này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của logistics đối với hoạt động sản xuất kinh doanh chung của DN, trong đó có khâu vận chuyển. Các DN cần phải bám sát và nắm bắt tình hình vận chuyển trên thế giới, bởi hiện nay bối cảnh chung là có những hãng tàu có tình trạng khó khăn như Hanjin nhưng chưa đến mức bị phá sản. Do đó, phải theo dõi sát động thái các thông tin của các hãng tàu để lựa chọn dịch vụ cho phù hợp.

Với DN sử dụng các dịch vụ từ các hãng logistics, phải yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin thường xuyên về các nhà vận chuyển, hãng tàu để có cân nhắc phù hợp. 

Vụ phá sản của Hanjin là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới. Kể từ khi hãng này liên lạc với luật sư phá sản, đã có 45 tàu của hãng bị các cảng từ chối tiếp nhận, cùng với đó là hơn nửa triệu container hàng.

 

  




Văn bản gốc