Tin tức

Trang chủ » » CPTPP: Chuyển biến tích cực và kỳ vọng phía trước

CPTPP: Chuyển biến tích cực và kỳ vọng phía trước

16/08/2019

Chuyên mục: Tin tức In trang

Ngày 14/1/2019 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam với việc nước ta chính thức bước vào giai đoạn thực thi Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngoài Việt Nam, đã có 6 nước thành viên CPTPP phê chuẩn và triển khai Hiệp định, trong đó có những nền kinh tế lớn và đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của Việt Nam là Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore, Mexico và New Zealand.

Nhìn lại kết quả thực thi CPTPP trong hơn 6 tháng vừa qua, nền kinh tế Việt Nam bước đầu đã hưởng lợi từ các cam kết trong khuôn khổ hiệp định, nhất là từ khía cạnh tiếp cận thị trường của các nước thành viên. Trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên CPTPP nêu trên đạt 16 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu tương ứng đạt 14 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các nước CPTPP đều có mức tăng trưởng tích cực, cụ thể: Canada tăng 32,9%, Mexico tăng 23,4%, New Zealand tăng 13,2%,

Nhật Bản tăng 8,9% và Singapore tăng 4,2%. Việc kim ngạch xuất khẩu vào Canada và Mexico – hai thị trường trước đó chưa có FTA song phương với Việt Nam – cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã chủ động tận dụng cơ hội từ việc tiếp cận các thị trường giàu tiềm năng này.

Với thị trường trọng điểm Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng khả quan, trong đó xuất khẩu máy tinh và linh kiện tăng 35%, dệt may và da giầy tăng 6,3%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,4%. Với Canada, các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trưởng tốt bao gồm dệt may và da giầy tăng 21,6%, máy móc thiết bị tăng 124,6%, điện thoại và linh kiện tăng 95,2%. Với Mexico, các sản phẩm máy móc thiết bị và điện thoại, linh kiện có mức tăng trưởng rất cao, lần lượt đạt 81,5% và 331,1%. Với Australia, tuy kim ngạch xuất khẩu chung giảm nhẹ do một số yếu tố khách quan, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường này vẫn có mức tăng trưởng tương đối tốt như rau củ quả và thủy sản (đặc biệt là cá tra) đạt 9,4%, máy tính và linh kiện đạt 9,3%.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 245,48 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 122,72 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó xuất khẩu sang 6 nước thành viên CPTPP chiếm 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Điều này cho thấy nếu các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang các nước CPTPP nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong thời gian tới. Đồng thời, với việc các nước thành viên còn lại như Peru, Chile, Brunei và Malaysia có thể sẽ phê chuẩn CPTPP trong giai đoạn 2019-2020, hàng hóa của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tiếp cận các thị trường này, nhất là thị trường Peru.

Sự vào cuộc của Chính phủ và doanh nghiệp

Với mức độ cam kết sâu rộng và toàn diện, việc triển khai hiệu quả CPTPP yêu cầu sự vào cuộc chủ động, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Về phía các cơ quan nhà nước, ngay sau khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP tại Quyết định số 121/QĐ-TTG ngày 24/1/2019 với những nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các bộ, ngành và cơ quan liên quan. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 23 Bộ, ngành và 55 địa phương ban hành Kế hoạch hành động thực thi CPTPP nhằm cụ thể hóa các chính sách, biện pháp tận dụng các cơ hội và ứng phó thách thức mà hiệp định này đem lại.

Trong lĩnh vực thể chế, các bộ, ngành và cơ quan liên quan đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thông qua, ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Nổi bật là kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XII đã thông qua các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đang trong quá trình xem xét, sửa đổi bổ sung 06 Luật (Bộ luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm) và 04 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thực thi một số điều của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm và Luật Quản lý ngoại thương.

Để tận dụng các cam kết về cắt giảm thuế quan ưu đãi trong CPTPP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 về biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện CPTPP giai đoạn 2019 - 2022. Bộ Công Thương cũng đã sớm ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/01/2019 về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP.

Cùng với các động thái từ phía Chính phủ, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường do Hiệp định CPTPP đem lại.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tổng số khoảng 500 giấy chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế cho sản phẩm xuất khẩu vào các nước CPTPP trong 3 tháng đầu năm 2019, có đến 90% là hàng hóa xuất sang hai thị trường Canada và Mexico.

Việt Nam sẽ vẫn hưởng lợi từ CPTPP trong việc tăng cường tiếp cận thị trường cũng như thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.

Điều đó cho thấy, một số doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động khai thác cơ hội từ các thị trường tiềm năng trong CPTPP, trước đó chưa có khuôn khổ FTA song phương với Việt Nam. Bên cạnh đó, trong thời gian qua một số hiệp hội doanh nghiệp đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư sang các thị trường CPTPP với các hình thức đa dạng, phong phú như hội nghị, hội thảo chuyên đề, tổ chức đoàn khảo sát thị trường, tham dự các hội chợ xúc tiến ngành hàng thương mại tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Canada, Australia…

Kỳ vọng phía trước

Từ đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của một số nền kinh tế khu vực có xu hướng giảm sút do tác động của làn sóng bảo hộ mậu dịch và cạnh tranh thương mại, điển hình là Singapore có kim ngạch xuất khẩu giảm liên tục ở mức hai con số từ tháng 2 đến hết quý II năm 2019. Trong bối cảnh này, việc tận dụng các cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ các FTA, nhất là CPTPP, có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng GDP của nước ta trong năm nay và thời gian tới.

Tuy cơ hội là rất lớn song để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cao vào các thị trường CPTPP như giai đoạn 6 tháng vừa qua là không hề đơn giản do các thị trường trọng điểm của Việt Nam trong CPTPP đều là những thị trường “khó tính” với yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như các yêu cầu về kiểm dịch, kỹ thuật. Quy tắc xuất xứ chặt chẽ trong CPTPP đồng nghĩa với nguy cơ một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, gia dày không tận dụng được cam kết tiếp cận thị trường các nước thành viên do phụ thuộc vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ các nước nằm ngoài CPTPP.

Vấn đề hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng hóa Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất xứ trong CPTPP và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại cũng là thách thức mà các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý trong thời gian tới, đặc biệt khi cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu giảm sút và có khả năng diễn biến ngày càng phức tạp.

Để tiếp tục tận dụng hiệu quả cơ hội từ CPTPP và ứng phó với sức ép gia tăng cạnh tranh, mở cửa thị trường trong nước, trong thời gian tới việc các Bộ, ngành, cơ quan cần tiếp tục bám sát triển khai các nhiệm vụ và giải pháp về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và triển khai CPTPP nói riêng, đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và

Quyết định số 121/QĐ-TTG ngày 24/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện hiệp định CPTPP. Trong các giải pháp cụ thể, các bộ, ngành, cơ quan cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin-tuyên truyền và nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cho các địa phương và doanh nghiệp. Về vấn đề này, trong 6 tháng qua, các Bộ Công Thương, Ngoại giao và một số cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến về nội dung hiệp định CPTPP cùng với các hoạt động tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng hội nhập kinh tế quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hồ Chí Minh, Lào Cai, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La… Đồng thời, các cơ quan liên quan đang nghiên cứu triển khai các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và một số ngành sẽ đối mặt với áp lực mở cửa như chứng khoán, bảo hiểm… nhằm tận dụng cơ hội và lợi ích từ các FTA thế hệ mới.

Về vấn đề gian lận xuất xứ, các cơ quan hữu quan cần phối hợp triển khai tốt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019. Trong quá trình này, bên cạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp của Việt Nam cần thể hiện sự chủ động, tham gia tích cực từ khâu lựa chọn đối tác, nhà đầu tư tới thẩm định kỹ lưỡng các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa với các đối tác nước ngoài nhằm phòng ngừa và phát hiện từ sớm các hành vi gian lận thương mại với nguy cơ tiềm tàng đến lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam.

  




;

Văn bản gốc


;